Đón nhận Thủ tục làm người còn sống

Xã hội

Bút ký đăng lần đầu trên báo Thái Bình gây xao động một thời gian ngắn rồi chìm vào im lặng, sau khi đăng lại trên Tuần báo Văn Nghệ đã gây chấn động quốc gia.[5] Bút ký gây chấn động giới văn đàn, giới binh nghiệp và độc giả quốc gia.[13][14][15] Hàng ngàn thư, điện thoại gửi về tòa soạn Tuần báo Văn Nghệ và gửi đến nhà văn nhằm biểu lộ sự đồng tình.[1][13] Năm 2008, nhà văn Minh Chuyên kể lại "anh Trần Quyết Định trong tác phẩm "Thủ tục làm người còn sống" bị thương tật là sự thật. Nhưng có người bảo anh không bị thương, nhiều tờ báo "cứu" sự thật vì anh."[16] Một độc giả cùng xã Minh Khai cho biết "sẵn sàng đi bất cứ đâu để đòi quyền lợi cho Định", dư luận tại quê nhà Trần Quyết Định phấn khởi vì sự thật được giãi bày trên mặt báo dù giấy xác nhận phục viên–xuất ngũ thời điểm đó chưa có kết quả.[5] Một đồng nghiệp và cũng là đồng đội của nhà văn đã cáo buộc Minh Chuyên bịa đặt, đồng thời răn dạy "người viết có thể hư cấu nhưng hư cấu ở ký không giống như hư cấu ở tiểu thuyết hay truyện ngắn".[5]

Truyền thông

Bùi Hoàng Tám trên báo Dân trí bình phẩm "nếu trong "Cái đêm hôm ấy... đêm gì?" phảng phất cái không khí âm âm, u u của Tắt đèn với tiếng trống thúc thuế – thu sưu thì trong "Thủ tục để làm người còn sống" của Minh Chuyên lại phảng phất, lại ám ảnh cái không khí của buổi Chí Phèo cầm dao đến nhà Bá Kiến. Có khác chăng ở chỗ Chí Phèo là gã du thủ – du thực—"con ác thú" của làng Vũ Đại—gã nông dân bị lưu manh hoá đến nhà cụ Bá để đòi "làm người lương thiện" thì anh lính nông dân bị lạc đơn vị, bị báo tử oan Trần Quyết Định đội đơn 10 năm đến rất nhiều cơ quan công quyền để đòi một điều đơn giản hơn nhiều là thủ tục để được làm... người còn sống, một nông dân xã viên hợp tác xã bình thường."[1] Trần Hoàng Nhân trên báo Người lao động nhận xét "một nhà văn có những tác phẩm như ông cũng đủ để tự hào rồi. Nhưng tự hào hơn khi nhà văn Minh Chuyên đã hoàn thành xong phần cơ bản của 'thủ tục làm người cầm bút'."[17] Tất Nhiên trên báo Giáo dục & Thời đại nhìn nhận "Trong bối cảnh công tác thương binh, liệt sĩ của ta còn không ít bất cập, nhiều người chạy chọt để được hưởng chế độ thương binh, trong khi một thương binh sờ sờ như Trần Quyết Định lại bị phủ nhận. Bài ký như một quả bom ném thẳng vào tệ quan liêu, cửa quyền của không ít các cơ quan chính sách thời hậu chiến."[13] Trần Huy Quang trên báo Người đô thị nhận xét về nhân vật Trần Quyết Định rằng "nhưng anh đã là liệt sĩ, rồi thủ tục để anh thành người còn sống lại cực kỳ gian nan".[18] Lê Hoài Nam trên báo Công an nhân dân bình phẩm ""Thủ tục để làm người còn sống" viết về sự hy sinh thầm lặng của một người lính".[19]

Bùi Hoàng Tám trên báo Dân trí tiếp tục phân tích "nếu ở "Cái đêm hôm ấy... đêm gì? của nhà văn Phùng Gia Lộc là lời cảnh báo về sự xuất hiện của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất, có nguy cơ trở thành “cường hào mới” ở nông thôn thì ở "Thủ tục để làm người còn sống" của nhà văn Minh Chuyên là lời dự báo về tệ quan liêu nhũng nhiễu, xa rời dân của một bộ phận công chức nhà nước."[12] Lê Thiếu Nhơn trên Sài Gòn Giải Phóng so sánh bút ký "giống như một câu ngạn ngữ rằng, những sự thay đổi mà người ta mong muốn nhất đều đi qua nỗi buồn".[20] Tùng Giang trên báo Lao Động gợi nhắc các bút ký của Minh Chuyên cùng với "Thủ tục làm người còn sống", khen ngợi "khắc họa chân thực" và "là các nét vẽ tiêu biểu trong tổng thể bức di họa về thời kỳ binh lửa".[21] Trên cùng báo Lao Động, Huỳnh Dũng Nhân ca ngợi "cuối cùng nhân vật có được đầy đủ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, được mọi thủ tục là người còn sống, tác giả được minh oan".[22] Cao Bá Khoát trên báo Thái Bình liệt kê bút ký "Người lang thang không cô đơn" và "Thủ tục làm người còn sống", đồng thời ngợi ca đây là "những bút ký xuất sắc, bênh vực công lý, gây tiếng vang lớn trong dư luận bạn đọc và đời sống xã hội".[23] Trên cùng báo Thái Bình, Nguyễn Công Liêm tán dương bút ký "đã trả lại tên cho người lính từ chiến trường trở về", đồng thời cảm thông "ngay sau khi câu chuyện này đến với bạn đọc và công chúng thì Minh Chuyên đã phải trả giá và đối mặt với 'tai họa'".[24] Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ trên Tạp chí Cộng sản nhắc về bút ký "Người đàn bà quỳ" của Trần Khắc và "Công lý, đừng quên ai" của Lâm Thị Thanh Hà cùng với "Thủ tục làm người còn sống" của Minh Chuyên, khẳng định "là những phản biện sắc sảo về pháp luật, chính sách; những sai trái và bất cập của chính sách, cơ chế ở tầm vĩ mô".[25]

Văn đàn

Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu phân tích "nhân vật Trần Quyết Định trong tác phẩm "Thủ tục để làm người còn sống" cực kỳ bi đát.[5][15][26] "Nếu không có bài bút ký của Minh Chuyên, chắc Trần Quyết Định vẫn là một hồn ma xác thịt. Anh sẽ tự thờ cúng linh hồn anh cho đến phút lìa đời."[5] Nhà văn Vũ Bão tán dương "một cốt truyện vừa nhân văn, vừa xót xa, xa xót đến xiêu lòng. Nhân vật chính Trần Quyết Định gợi bạn đọc nhớ đến dòng văn học hiện thực Việt Nam mà các bậc thầy Nam Cao, Ngô Tất Tố đã thể hiện rất tài tình.[...] Phát hiện một cốt truyện, tái hiện lại để có một nhân vật kiểu Trần Quyết Định mình nghĩ khó có mấy ai vượt được. Chỉ có tác giả tự nguyện dấn thân, ngòi bút viết hết mình, không sợ lực cản mới có được hình tượng một Trần Quyết Định như thế."[14] Nhà lý luận phê bình Lê Quang Trang nhận định "một bút ký xuất sắc bênh vực công lý, gây tiếng vang lớn trong dư luận bạn đọc và đời sống xã hội."[5][15] Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn thốt lên "tôi đã từng gai người khi đọc "Thủ tục để làm người còn sống"", trong khi nhà thơ Nguyễn Hoa viết tặng Minh Chuyên một bài thơ đối đáp về nội dung bút ký.[5]

Chính khách

Phu nhân của một chính khách cấp cao trong Đảng Cộng sản Việt Nam xem bài báo và nói với chồng rằng "ông là người lãnh đạo cao cấp của đất nước, sao để xảy ra vụ việc này."[1][5] Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức một hội nghị về bút ký do Trưởng ban Nội chính Thái Bình Đỗ Quang Thường chủ trì, các đại diện góp mặt gồm Cục Chính sách (thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam) và Bộ Tư lệnh Quân khu 3 cùng với Bộ Chỉ huy quân sự Thái Bình cũng như các ban ngành có liên quan tại tỉnh. Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình Đỗ Quang Thường khi đó kết luận "giao cho các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp làm việc cụ thể với đơn vị, cơ quan cấp trên giải quyết chế độ, chính sách cho Trần Quyết Định theo đúng quy định của quân đội và chính sách của Nhà nước. Văn phong báo chí của bút ký có chi tiết nào chưa chuẩn xác thì rút kinh nghiệm còn bản chất sự việc là đúng, không vì chi tiết mà quy kết động cơ người viết báo làm sai được". Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình Phạm Văn Bài cho biết bản thân cũng từng lạc đơn vị hai ngày tại Kampong Cham trong Chiến tranh biên giới Tây Nam và tin tưởng Trần Quyết Định khi khẳng định "bi kịch của người lính trong chiến tranh trở về không tập trung giải quyết lại đi bắt bẻ chi tiết, đẩy sự thật buồn vào một bi kịch khác." Tổng biên tập báo Thái Bình Nguyễn Như Hinh tại hội nghị khẳng khái tuyên bố "nếu phải đi tù hoặc bị xử lý kỷ luật thì tôi chịu trách nhiệm chứ không phải anh Minh Chuyên."[9] Nhiều đoàn thanh tra về Thái Bình tìm hiểu sự việc, bút ký bị cho là "kích động quần chúng, gây mất niềm tin với các cơ quan nhà nước, vi phạm nghiêm trọng chính sách hậu phương quân đội".[7][12]

Một báo cáo ngày 9 tháng 6 năm 1988 gửi đến bảy cơ quan từ Trung ương đến địa phương, nội dung ghi như một biên bản luận tội tác giả, nhân vật, tòa báo. Trần Quyết Định được miêu tả "quân nhân vô kỷ luật, phạm tội đào ngũ". Gia đình Định được miêu tả "thiếu trung thực, bao che nhằm mục đích cho kẻ đào ngũ được hưởng quyền lợi chính trị". Nhà văn được miêu tả "vu khống, dàn dựng hiện trường giả nhằm bao che, bênh vực quyền lợi cho một quân nhân đào ngũ". Báo cáo cũng đề nghị Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ thị Tuần báo Văn Nghệ công khai sai lầm nội dung bút ký, đề nghị Tỉnh ủy Thái Bình chỉ thị ban biên tập báo Thái Bình kỷ luật Minh Chuyên và công khai xin lỗi.[12] Ngày 17 tháng 6 năm 1988, Ban Nội chính Tỉnh uỷ Thái Bình họp kéo dài tám tiếng với sự có mặt của 15 thành viên, tổng biên tập báo Thái Bình Nguyễn Như Hinh khi đó kiên quyết nói "nếu kỷ luật, người bị kỷ luật là tôi chứ không phải anh Minh Chuyên vì Ban biên tập đã chỉ đạo đồng chí Minh Chuyên thực hiện nhiệm vụ này". Đầu tháng 7 năm 1988, các cuộc họp được tổ chức tại Hà Nội, nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu "nếu cách đây 10 năm, các anh quy tội người ta đào ngũ thì đã chẳng có bài ký này. Thế nhưng khi có bài ký nêu lên sự việc ra đời, các anh lại quy cho người ta tội đào ngũ phải chăng là hình thức đối phó? Các anh đã hai lần phạm tội ác!"[27]

"Đồng chí Trần Quyết Định là con một gia đình công giáo chấp hành chính sách tốt, có ba con đi bộ đội, đã chiến đấu ở biên giới Tây Nam, bị thương và được khen thưởng. Sau khi điều trị, đi tìm đơn vị không thấy, bỏ về quê quán sinh sống bình thường. Việc giải quyết chính sách kéo dài 10 năm (thực tế là ngày 1 tháng 2 năm 1987 mới đề nghị) do không đủ thủ tục hợp lệ (là trường hợp bỏ ngũ, không có giấy quyết định phục viên hoặc xuất ngũ). Tổng cục Chính trị quyết định: Giao cho Bộ chỉ huy Quân sự Thái Bình vận dụng Quyết định 191/HĐBT tổ chức giám định thương tật và kiểm điểm đồng chí Trần Quyết Định, lý do là không kiên trì tìm đơn vị đến cùng, tự động bỏ về nhà sinh sống".

Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Quyết ký ghi chú cuối cùng về quân nhân Trần Quyết Định.[7][28]

Đầu tháng 8 năm 1988, cơ quan chính sách huyện Vũ Thư định tổ chức một cuộc họp thông báo Trần Quyết Định đào ngũ, nhưng người dân phản ứng quyết liệt nên cuộc họp bị hủy.[28] Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười gửi công điện cho Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình với nội dung "Đề nghị các đồng chí xác minh rõ bản chất nội dung sự việc nêu trong bài ký và báo cáo về Ban Bí thư." Các cuộc điều tra–xác minh được tiến hành trong hai tháng, vấn đề xoay quanh bài ký chỉ kết thúc sau bảy cuộc họp.[11] Sau 6 tháng với 15 cuộc họp lớn nhỏ từ địa phương đến trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Quyết ký ghi chú về quân nhân Trần Quyết Định.[7][28] Nhân dịp Đỗ Mười ghé thăm Thái Bình vào tháng 2 năm 1996, nhà văn cảm kích "nhờ sự công minh sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quan tâm sâu sát của bác ngày ấy, cháu mới được gặp bác ngày hôm nay, mới có được cuốn sách này ra đời."[11] Sau này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Đoàn Khuê trao tặng giải thưởng cho Minh Chuyên về những tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về đề tài Lực lượng vũ trang&Chiến tranh cách mạng giai đoạn 1984–1994, trong đó có bút ký "Thủ tục làm người còn sống".[12] Bút ký được Bộ Quốc phòng Việt Nam trao tặng giải A.[22]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thủ tục làm người còn sống //www.worldcat.org/issn/2354-1512 http://vnca.cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Nha-van-Mi... http://dantri.com.vn/phong-suky-su/ky-iii-con-dia-... http://tamlongvang.laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tu... http://hnmu.edu.vn/upload/user/tin-bai/tap-chi/tck... http://rgep.moet.gov.vn/content/tintuc/Lists/news/... http://luanan.nlv.gov.vn/luanan?a=d&d=TTcFfqyxEHFK... http://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-st... http://www.quankhu3.vn/index.php/Van-hoa-Van-nghe/... http://toquoc.vn/minh-chuyen-nha-van-noi-tieng-vie...